(FRS47)Ngày càng có nhiều người nước ngoài tham gia vào việc điều hành các doanh nghiệp tại tỉnh Shizuoka. Những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, chủ doanh nghiệp lợi dụng mạng lưới riêng để triển khai các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hoặc giới thiệu nhân sự, đưa người lao động từ nước mình sang làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Với số lượng người nước ngoài dự kiến sẽ tăng trong khoảng thời gian trung và dài hạn, trào lưu khởi nghiệp cũng sẽ tiếp diễn.
Vào cuối tháng 3, anh Jumadi (43 tuổi), một người Indonesia hiện đang sinh sống tại thành phố Fujieda, đã khai trương “Nusantara”, cửa hàng bán lẻ thực phẩm Halal. Với diện tích 30 mét vuông, cửa hàng bày bán khoảng 200 loại sản phẩm nhập khẩu từ Indonesia và các quốc gia khác, bao gồm thực phẩm ăn liền, thịt đông lạnh và xoài.
Anh Jumadi và vợ, chị Fifi Afiyanti (40 tuổi), đã quyết định khởi nghiệp khi đang làm cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong tỉnh. “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi thấy nhiều người theo đạo Hồi (tín đồ Hồi giáo) gặp khó khăn trong việc tìm mua thực phẩm Halal.”, anh cho biết.
Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2021, có 224 người nước ngoài đang sinh sống trong tỉnh với visa “Quản lý/Kinh doanh”, loại visa dành riêng cho hoạt động kinh doanh của pháp nhân, tăng 60% trong vòng 5 năm. Ngoài những người đang lưu trú với tư cách du học sinh và những người đang làm việc cho các công ty, cũng có những trường hợp người nước ngoài mở cửa hàng bán lẻ hoặc kinh doanh nhà hàng với tư cách “vĩnh trú”, số doanh nhân nước ngoài đang triển khai kinh doanh trên thực tế cao hơn nhiều.
Ngoài ra hiện nay còn có trào lưu kết nối đồng bào có mong muốn ở lại Nhật với các doanh nghiệp địa phương. Đoàn Sơn Tùng (37 tuổi), một người Việt Nam đến Nhật Bản từ năm 2005, đã xin nghỉ việc tại công ty mà anh đã làm việc trong khoảng 10 năm để thành lập một công ty tại thành phố Fukuroi vào tháng 3 năm 2021, hướng tới người Việt đang sinh sống trong tỉnh. Công ty liên kết với các đơn vị xuất khẩu lao động ở Việt Nam, giới thiệu người lao động và thực tập sinh kĩ năng cho các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Công ty còn cung cấp cả dịch vụ dịch thuật và phiên dịch. Bằng việc cho thấy tâm huyết của mình, vào thời điểm khởi nghiệp anh Tùng đã nhận được một khoản đầu tư vốn lưu động từ tổ chức tài chính. “Vì có rất nhiều người Việt Nam cũng như doanh nghiệp đang cảm thấy đau đầu trong việc tìm kiếm doanh nghiệp/người lao động phù hợp, tôi muốn góp sức hỗ trợ giải quyết vấn đề này.”
Phó giáo sư Yasutaka Saeki (Chuyên ngành kinh tế), Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka, người hiểu rõ các vấn đề nhập cư, dự đoán rằng: “Số lượng doanh nhân nước ngoài sẽ tiếp tục tăng lên nhằm đáp ứng các nhu cầu quen thuộc”, và chỉ ra rằng: “Các cơ quan hành chính cần có bản dịch tiếng nước ngoài đối với các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến khởi nghiệp, đồng thời cần truyền tải một cách dễ hiểu những câu chuyện khởi nghiệp thành công của người nước ngoài đến từ cùng một quốc gia”./. (Trích nguồn Shizuoka Shimbun)