(FRS47)Có cha là người Nhật, mẹ là người Brazil và hiện đang sinh sống tại thành phố Echizen tỉnh Fukui, cô nữ sinh trung học (18 tuổi) người gốc Nhật Bản thế hệ thứ hai được sinh ra ở thành phố São Paulo nhưng đến Nhật từ khi một tuổi vì công việc của cha mình. Cha cô qua đời vì bệnh khi cô đang học năm đầu của cấp 2. Mẹ cô không nói được nhiều tiếng Nhật và cũng không biết đọc hay viết tiếng Nhật.
Trong quãng thời gian cấp 2, cô đã bỏ học khoảng 2 năm. Muốn theo học tiếng Anh nhưng lại không đủ tự tin để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt tập thể, cô đã chọn theo học một trường cấp 3 bán thời gian. Một cựu giáo viên (độ tuổi 60) ở thành phố Echizen cho biết: “Có nhiều học sinh tham gia học bán thời gian thay vì học toàn thời gian bởi vì các em không nói được tiếng Nhật hoặc không thích ứng được với trường lớp mặc dù các em có năng lực.”
“Việc học tiếng Anh ở trường bán thời gian không đáp dứng được nhu cầu của tôi”, cô cho hay. Cô đã từng nghĩ tới việc bỏ học, nhưng với sự thuyết phục của mọi người, cô đã chuyển sang học hệ đào tạo từ xa. Lúc đó, cô đã thổ lộ với cô Nojiri Fumi (53 tuổi), người hỗ trợ việc học tập của người nước ngoài gốc Nhật thông qua hoạt động của “Minna no Shokudo” (thành phố Echizen), rằng: “Em muốn trở thành một nữ sinh trung học bình thường”.
Theo khảo sát cơ bản về trường học của tỉnh Fukui, toàn tỉnh có 82 học sinh mang quốc tịch ngoại quốc đang theo học tại các trường cấp 3 công lập và 17 em đang theo học tại các trường tư thục (tính đến thời điểm tháng 5 năm ngoái).
Cũng có những trường hợp các em đã nhập học nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà phải ngừng việc học. Chẳng hạn như trường hợp của một em học sinh được tiến cử nhập học với thành tích thể thao nhưng đã bỏ học vì cha mẹ không thể chi trả chi phí đi tham gia thi đấu của câu lạc bộ. Nhiều người chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa người nước ngoài và người Nhật về mặt ý thức tài chính cũng như trong cách nghĩ về việc cho con học tiếp lên cấp 3.
Cũng có trường hợp các em học sinh gặp khó khăn vì phải đối mặt với định kiến và bị phân biệt đối xử. Em Akane (tên giả), 16 tuổi), một học sinh gốc Nhật thế hệ thứ 2, cho biết: “Em bị các bạn trong lớp gắn cho cái mác người ngoại quốc và bị phân biệt đối xử sau khi các bạn thấy trang phục mà mẹ em mặc trong buổi dự giờ. Em chán ghét cái gốc gác con lai Nhật của mình”. Khi xảy ra tai nạn giao thông, cô cũng bị người ta nói: “Vì Akane là người nước XXX (tên quốc gia) nên Akane là người có lỗi”. Vậy nên cô đã bỏ học.
Cô Nojiri, người có nhiều kinh nghiệm với trẻ em mang quốc tịch nước ngoài, chỉ ra rằng: “Cũng có những bậc phụ huynh không hiểu rõ về hệ thống giáo dục của Nhật Bản, chẳng hạn như sự khác nhau giữa việc học toàn thời gian và bán thời gian. Vì họ cũng không hiểu tiếng Nhật nên rất khó để họ có thể trở thành chỗ dựa cho con mình trong việc định hướng tương lai”. Bà nói thêm: “Dù vậy thì một đứa trẻ 15 tuổi cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần phải cố gắng thu thập thông tin liên quan đến định hướng tương lai cho trẻ và cũng cần phải tính đến việc phổ biến những thông tin này tới các bậc phụ huynh không biết tiếng Nhật”.
Nữ sinh chuyển sang học hệ đào tạo từ xa đã thi đỗ vào khoa quốc tế trường Trung học phổ thông Asuwa một năm sau đó. Đó cũng là thời điểm cô bước sang tuổi 18. Cô chia sẻ sau 1 năm nhập học: “Khi còn theo học chương trình bán thời gian và học từ xa em chỉ giao tiếp với giáo viên và cũng không có bạn bè gì. Ở Asuwa có nhiều hoạt động nhóm nên em đã quen thêm được nhiều người có có thêm nhiều bạn bè”.
Mặt khác, cũng có nhiều em học sinh gốc Nhật bỏ học từ cấp 2 và cũng không học tiếp lên cấp 3. Một cựu giáo viên cảnh báo: “Các em học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở còn nhận được sự quan tâm từ Hội đồng giáo dục thành phố nhưng một khi các em tốt nghiệp cấp 2, có một khoảng trống trong sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Có những đứa trẻ đang bị vùi lấp trong xã hội”./(Trích nguồn Fukui Shimbun)