(FRS47) Vào tháng 11 năm 2020, thi thể của một đứa trẻ sơ sinh đã được phát hiện chôn trong vườn một ngôi nhà ở thành phố Higashi-Hiroshima, tỉnh Hiroshima. Một nữ thực tập sinh kĩ năng người Việt Nam (27 tuổi) đã bị bắt vì tình nghi vứt bỏ thi thể. Theo phán quyết, người này đã sinh một bé gái trong phòng riêng tại khu tập thể dành cho công nhân, bé gái đã tử vong do thiếu các biện pháp chăm sóc bảo vệ cần thiết. Thi thể của bé gái được phát hiện bị chôn ngay trong khuôn viên khu tập thể.
Tại Nhật Bản ngày càng có nhiều các vụ án liên quan đến việc nữ TTS bí mật mang thai và sinh con. Nguyên nhân là do các TTS tin rằng họ sẽ bị bắt về nước nếu mang thai. Mặc dù hệ thống pháp luật Nhật Bản nghiêm cấm việc đối xử bất lợi với người lao động với lý do mang thai và sinh con nhưng các TTS không biết điều này do không nắm được các thông tin cần thiết và thiếu hệ thống tư vấn đầy đủ.
Sau khi nữ thực tập sinh người Việt bị bắt, phóng viên đã 8 lần tới gặp mặt và nói chuyện để tìm hiểu chi tiết về tình hình của cô trước khi tòa án đưa ra phán quyết. Vấn đề đáng nói ở đây chính là sự lạnh nhạt của xã hội Nhật Bản khi chỉ coi thực tập sinh là “lao động rẻ mạt” và không đối xử với họ như một con người.
◇Sang Nhật để phụ giúp gia đình
Nữ TTS xuất thân từ tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình có bố mẹ và anh trai đều làm nông nghiệp. Cô có 1 con gái với người chồng đã ly hôn và làm việc trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc ở tỉnh Bắc Giang. Để phụ giúp gia đình, khoảng 2 năm rưỡi trước đây cô quyết định sang Nhật làm việc cho công ty “Vege style”, một công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ở Higashi-Hiroshima.
Theo công ty, cô có thái độ làm việc rất nghiêm túc và cũng không gây ra vấn đề gì lớn. Cô đã học tiếng Nhật nửa năm tại công ty phái cử thực tập sinh ở Việt Nam nhưng chỉ có thể chào hỏi đơn giản và không trò chuyện nhiều với nhân viên người Nhật.
Tại Nhật, cô bắt đầu hẹn hò với một người đàn ông Việt Nam cùng là TTS, và vào tháng 3 năm 2020, nhận thấy có điều gì đó không ổn trên cơ thể mình, cô gái đến khám tại một phòng khám ở thành phố Hiroshima. Cô được phát hiện mang thai. Cô cho biết: “Khi tôi nói muốn phá thai, bác sĩ đã giới thiệu tôi đến bệnh viện.” Có điều, đối tượng mà cô hẹn hò đã đơn phương mất liên lạc khi biết tin cô mang thai.
◇Bệnh viện từ chối khám
Khoảng một tuần sau, cô ấy tự mình đi đến bệnh viện được giới thiệu ở thành phố Higashi Hiroshima. Tuy nhiên, vì không thể giao tiếp bằng tiếng Nhật cô bị từ chối khám và không thể phá thai. Khi bụng của cô ngày một lớn, lo lắng về tình trạng của em bé, cô đã một lần nữa tới bệnh viện.
Theo lời khai tại phiên tòa, lần thăm khám này cô ấy đã nộp giấy chứng nhận bảo hiểm y tế và sử dụng ứng dụng phiên dịch trên điện thoại thông minh để viết phiếu điều tra, tuy nhiên bệnh viện từ chối khám lại cho cô ấy với lý do không có phiên dịch đi cùng.
Làm việc với chiếc bụng to rất vất vả nhưng cô ấy không thể tiết lộ việc mang thai của mình cho công ty, tổ chức giám sát và thậm chí gia đình. Cô ấy tin rằng: “Tôi sẽ phải về nước nếu việc mang thai bị lộ”. Vốn dĩ, cũng không có ai để cô có thể thảo luận về chuyện này ở Nhật.
Vào ngày 11 tháng 11 năm 2020, cô ấy than phiền về tình trạng cơ thể không ổn và tan làm sớm. Tại phòng, cô nhận thấy mình có dấu hiệu sắp sinh và đã sinh con một mình ở hành lang. Cô nói: “Tôi sợ mọi người nghe thấy tiếng em bé khóc” vì đã giấu chuyện mang thai. Cô dán băng keo lên miệng đứa trẻ vì đứa trẻ không ngừng khóc.
Vì chảy rất nhiều máu sau khi sinh nên cô đã vào nhà tắm để rửa sạch vết máu trên cơ thể mình. Khi cô quay trở lại đứa trẻ đã bất động. Cô đặt thi thể đứa trẻ vào thùng các tông có trong phòng và đào một cái hố trong vườn để chôn. Ở Việt Nam có phong tục thổ táng. Cô ấy đã chôn cất con mình và để tang. Mặt khác, cô cũng cảm thấy lo lắng với việc bị ai đó nhìn thấy. Cô nói: “Tôi đã rất sợ nhưng lại không có ai để tôi có thể dựa vào.”
Ngày hôm sau, vì cảm giác tội lỗi cô ấy đã thú nhận mọi chuyện với giám đốc công ty. Một nhân viên đã đào bới khu vườn và báo cảnh sát. Cảnh sát đã tới xác nhận thi thể đứa trẻ và phát giác sự việc.
Khi phát hiện mình mang thai, cô ấy đã nghĩ đến chuyện sinh em bé rồi về Việt Nam, nhưng để sang Nhật, cô đã vay món nợ khoảng 1,5 triệu Yên (270 triệu VNĐ) từ công ty phái cử tại Việt Nam, vậy nên cô “buộc phải đi làm”. Mức lương hàng tháng của cô vào thời điểm đó là khoảng 110.000 yên (19,8 triệu VNĐ). Hơn nửa số tiền đó được gửi về cho bố mẹ của cô ở quê, chi phí sinh hoạt hàng tháng của cô chỉ vào khoảng 25.000 yên.
Kết thúc phiên tòa, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi: “Em có điều gì muốn nói không?”, cô ấy vừa khóc vừa nói: “Tôi đặt tên cho con tôi là Nhi-chan. Mẹ xin lỗi con, Nhi-chan. Hãy tha thứ cho mẹ”. “Nhi” mang ý nghĩa về sự “dễ thương và dịu dàng”.
Hiện cô ấy đã trở về Việt Nam và mong muốn được làm việc cho một công ty sản xuất máy tính với mức lương cao nếu có thể. Sau khoảng một năm rưỡi ở trong trại tạm giam, cô nói với giọng khàn khàn: “Tôi chỉ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.”
(Trích nguồn Kyodo news)