Những đặc sản bánh kẹo “siêu” ngon đến từ các tỉnh thành của Nhật Bản mà người Việt nên biết Sự tiến hóa của bánh bao (manju) và bánh dày (mochi), từ truyền thống đến hiện đại

(FRS47) Chắc hẳn có nhiều người Việt Nam cảm thấy bánh kẹo của Nhật rất ngon. Tại các tỉnh thành địa phương của Nhật Bản có rất nhiều loại bánh kẹo đặc sản đại diện cho vùng. Bên cạnh những loại bánh kẹo truyền thống đã có từ hơn 300 năm trước, những loại bánh kẹo truyền thống được làm theo hơi hướng hiện đại, biến hóa từ những món ăn truyền thống của Nhật như bánh bao (manj) và bánh dày (mochi), cũng rất bắt mắt.

Đặc sản địa phương nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là bánh mochi Akafuku của thành phố Ise (tỉnh Mie) = Ảnh ⑤ =. Đó là một loại bánh mochi mềm được nhét đầy mứt đậu đỏ ngọt, được cho là ra mắt vào năm 1707. Mua Akafuku khi đến thăm Ise Jingu, ngôi đền nổi tiếng trong thành phố, đã trở thành một việc “đương nhiên” và nét văn hóa này đã lan rộng khắp đất nước. Hạn sử dụng của bánh rất ngắn, chỉ trong 2, 3 ngày và rất khó để vận chuyển đến các khu vực ở xa; tuy nhiên với sự phát triển của mạng lưới chuyển phát nhanh ở Nhật, ngày nay bánh được vận chuyển tới khắp mọi nơi, trừ một số vùng thuộc Hokkaido và Okinawa. Với doanh số bán hàng đạt tới 10 tỷ yên (khoảng 1.800tỷ VNĐ), Akafuku được coi là đặc sản bánh kẹo hàng đầu của Nhật Bản tính theo thương hiệu.

Xếp sau Akafuku về mặt doanh số chính là “Người tình tuyết trắng” (Shiroi Koibito), một thương hiệu mạnh đến từ thành phố Sapporo (Hokkaido) = Ảnh ① =. Shiroi Koibito là một loại bánh quy kẹp sô cô la trắng, được bắt đầu bày bán vào năm 1976. Bánh được quảng cáo ở giải bóng đá J-league hay ở sân bay, v.v. và là món bánh kẹo đại diện của Hokkaido. Cái tên “Người tình tuyết trắng” được cho là xuất phát từ bộ phim “Người tình tuyết trắng” năm 1968 của Pháp. Vào tháng 12 năm 2021, cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài của Shiroi Koibito đã được mở tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Có nhiều loại bánh được cải tiến từ món bánh bao (manj) truyền thống của Nhật Bản. Ví dụ điển hình là bánh “Hagi no Tsuki” của thành phố Sendai (tỉnh Miyagi) = Ảnh ② =. Manju vốn dĩ có lớp vỏ được làm từ bột mỳ hoặc bột gạo với lớp nhân đậu đỏ nhưng Hagi no tsuki lại có lớp vỏ làm từ bánh bông lan với lớp nhân kem trứng sữa. Hagi no Tsuki vẫn luôn duy trì vị trí là loại bánh kẹo đặc sản đại diện cho Sendai kể từ khi ra mắt vào năm 1979. Cái tên Hagi no Tsuki được bắt nguồn từ hình dáng tròn trịa giống trăng rằm và hagi, tên một loại hoa nổi tiếng của tỉnh Sendai, loại hoa nở vào khoảng thời gian trăng tròn của dịp trung thu.

“Kasutadon” = Ảnh ⑨ = của thành phố Kagoshima (tỉnh Kagoshima) được ra mắt vào năm 1988 cũng là một loại bánh bao có vỏ bọc là bánh bông lan với nhân kem trứng sữa, rất giống với Hagi no Tsuki. Đây cũng là một loại bánh ngọt phổ biến đại diện của Kagoshima.

Kikyo Shingen Pudding của thành phố Kofu (tỉnh Yamanashi) = Ảnh ④ = là sự biến đổi của bánh mochi thành bánh pudding. “Kikyo Shingen Mochi” là một loại bánh mochi với kết cấu trơn tuột khi đưa vào miệng, được ra mắt vào năm 1968 và trở thành món bánh ngọt đại diện của thành phố Kofu. Kikyo Shingen Pudding được ra mắt vào khoảng năm 2015. Ngoài cách ăn kèm với sốt đường đen tùy thích, việc từng chiếc bánh được đóng gói cẩn thận như được bọc bằng furoshiki (khăn gói đồ) là một trong những nguyên nhân khiến bánh được nhiều người yêu thích.

Bánh manj Momiji (lá đỏ) nổi tiếng của tỉnh Hiroshima = Ảnh ⑦ = cũng là một món quà lưu niệm có từ lâu đời ở địa phương. Nó được ra mắt vào năm 1906 như là một đặc sản của Gakushima (thường được gọi là Miyajima), một hòn đảo thuộc thị trấn Hironichi, tỉnh Hiroshima. Mứt đậu đỏ được bao bọc bởi một lớp vỏ làm từ bột mì và mật ong, có hương vị tương tự như bánh Dorayaki (bánh rán nhân đậu đỏ) nhưng lại có hình dạng của chiếc lá đỏ thường thấy ở Miyajima. Bánh manj Momiji là một món quà lưu niệm tiêu biểu của tỉnh Hiroshima cho đến ngày nay. Ngoài nhân đậu đỏ, các sản phẩm mới còn có nhân sô cô la, kem hay phô mai, v.v.

Bánh tart beni imo (tart khoang lang tím) Okinawa = Ảnh ⑩ = là một loại bánh sử dụng khoai lang tím đặc sản của tỉnh Okinawa. Màu tím bắt mắt và vị ngon giúp bánh được yêu thích và trở thành một loại bánh kẹo đại diện cho Okinawa. Bánh được tạo ra như là một nỗ lực của dự án hồi sinh ngôi làng Yomitan nằm ở trung tâm của đảo chính Okinawa và đã thành công rực rỡ.

Nhằm tăng giá trị nhờ vào sự hiếm có của chúng, đặc sản bánh kẹo từ các địa phương thường không được bày bán ở các khu vực khác. Khi đến thăm một địa phương trong chuyến công tác hay du lịch, bạn hẳn sẽ cảm thấy vui khi tìm mua những món quà chỉ có ở địa phương.

 

Các bài viết liên quan