Bệnh viện Jikei đã vận hành hệ thống "Kounotori no Yurikago" (Baby Post)
Bệnh viện Jikei đã vận hành hệ thống "Kounotori no Yurikago" (Baby Post)

Bệnh viện Jikei lần đầu tiên chấp nhận “sinh con ẩn danh”. Lợi ích và rủi ro?

(FRS47) Vào ngày 6 tháng 6, Takeshi Hasuda, viện trưởng bệnh viện Jikei thành phố Kumamoto, nơi đang có những nghiên cứu độc lập về hệ thống “sinh con bí mật” dành cho những thai phụ mang thai ngoài ý muốn chỉ tiết lộ thông tin danh tính cho bệnh viện, đã thông báo với phóng viên về việc tiếp nhận cả những ca “sinh con ẩn danh” mà thai phụ hoàn toàn không tiết lộ thông tin danh tính của bản thân. Trong khi chính phủ đang trong quá trình xây dựng đề cương hướng dẫn dành cho những ca sinh bí mật thì cũng vào ngày 6/6, bệnh viện Jikei đã đệ trình bản thảo hướng dẫn riêng của mình lên chính quyền thành phố Kumamoto. Trong bản hướng dẫn riêng này bệnh viện cũng nêu rõ chính sách tiếp nhận những ca sinh ẩn danh.

Viện trưởng Hasuda cho biết: “Chúng tôi muốn bảo vệ tính mạng và sức khỏe của cả người mẹ và em bé. Bệnh viện có cố gắng giải thích cho người mẹ và thuyết phục họ để lại thông tin cá nhân vì con mình, nhưng chúng tôi cũng không thể bỏ mặc hay quay lưng lại với những người phụ nữ có nguyện vọng ẩn danh (hoàn toàn)”. Mặt khác, ông nhấn mạnh, “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích những ca sinh con ẩn danh”.

Bệnh viện định nghĩa “Sinh con bí mật” nghĩa là “Thai phụ chỉ tiết lộ thông tin danh tính của mình cho một nhân viên tư vấn. Thông tin này có thể được tiết lộ dưới sự đồng ý của người mẹ khi đứa trẻ đến một độ tuổi nhất định.” Mặt khác, “Sinh con ẩn danh” được định nghĩa là “Thai phụ sẽ sinh con mà không tiết lộ danh tính cá nhân và việc ẩn danh này sẽ được tiếp tục ngay cả sau khi sinh”. Bản hướng dẫn riêng được đề xuất vào ngày 6/6 có đề cập đến việc bệnh viện sẽ kêu gọi thai phụ cung cấp thông tin danh tính của họ bằng cách giải thích về “quyền được biết gốc gác” của đứa trẻ, thế nhưng ngay cả khi người mẹ từ chối cung cấp thông tin, bệnh viện vẫn sẽ tiếp nhận ca sinh nở.

Việc “sinh con bí mật” vẫn chưa được hợp pháp hóa ở Nhật Bản thế nhưng nhằm ngăn chặn việc bỏ rơi và sát hại trẻ sơ sinh, bệnh viện Jikei đã giới thiệu hệ thống một cách độc lập vào tháng 12 năm 2019. Vào tháng 12 năm 2021 và tháng 4 năm 2022, hai phụ nữ đã sinh con theo quy trình “sinh con bí mật” tại bệnh viện. Họ chỉ tiết lộ danh tính của mình cho duy nhất một người là trưởng phòng tư vấn sơ sinh. Chưa có trường hợp “sinh con ẩn danh” nào tại bệnh viện này.

Kazumi Mitsuyasu, Trưởng Ban Chính sách Trẻ em của Thành phố Kumamoto, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, “Vì còn tồn tại những điểm chưa rõ, tôi không thể bình luận về việc sinh con ẩn danh vào thời điểm này. Tôi hy vọng có thể trao đổi ý kiến ​​chi tiết hơn với phía bệnh viện.”

◇ Mối lo ngại về việc xâm phạm quyền biết gốc gác bản thân

“Chúng ta nên tiếp nhận việc sinh con ẩn danh nếu chúng ta đã cân nhắc và có sự chuẩn bị cho mọi trường hợp.” Viện trưởng bệnh viện Jikei, Takeshi Hasuda, đã lần đầu công bố tiếp nhận những ca “sinh con ẩn danh”, tiến xa hơn một bước so với việc “sinh con bí mật” khi mà thai phụ chỉ tiết lộ danh tính của mình cho bệnh viện.

Tồn tại mối lo ngại về việc xâm phạm quyền được biết về gốc gác bản thân trong tương lai đối với những đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp sinh con ẩn danh, khi mà người mẹ không để lại bất kỳ thông tin nhận dạng cá nhân nào . Giáo sư Fumiharu Yamagata (chuyên ngành Trẻ em và Phúc lợi Gia đình) của Đại học Kansai cho biết, “Thông tin về gốc gác là cơ sở nhận dạng của một người, cũng là thông tin cá nhân quan trọng, vốn dĩ không nên bị hạn chế bởi người khác”.

Bệnh viện Jikei đã vận hành hệ thống “Kounotori no Yurikago” (Baby Post) nhận ẩn danh những trẻ sơ sinh mà cha mẹ không thể nuôi dưỡng cho tới nay. Riêng đối với những rủi ro khi sinh con tại nhà mà không có các biện pháp chăm sóc y tế và những rủi ro trong quá trình đưa sản phụ và trẻ sơ sinh tới bệnh viện ngay sau khi sinh đã được chỉ ra, giáo sư Yamagata cho biết: “Tôi có thể đưa ra đánh giá cao hệ thống sinh con ẩn danh về điểm bảo đảm được tính mạng của cả mẹ và bé khi người mẹ có thể sinh con tại bệnh viện”.

Tuy nhiên, nếu tiếp nhận những ca sinh ẩn danh khi chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì có nguy cơ đứa trẻ được sinh ra sẽ đệ đơn kiện trong tương lai. Giáo sư Yamagata chỉ ra rằng “Cuối cùng thì Chính phủ và các cơ quan hành chính cần đưa ra quyết định rõ ràng.” (Trích Nguồn Mainichi Shimbun)

 

Các bài viết liên quan