Bức ảnh là hình ảnh. Không liên quan đến bài báo.
Bức ảnh là hình ảnh. Không liên quan đến bài báo.

Thú nhận của một người phụ nữ 75 tuổi có “lịch sử” 30 năm trộm cắp: “Tôi lấy cắp đồ cho các con ăn.”

(FRS47)Đó là một buổi chiều xuân đẹp trời năm 2021. Một người phụ nữ (75 tuổi) ngồi trong một căn phòng tại đồn cảnh sát thuộc tỉnh Hyogo, cơ thể vốn nhỏ nhắn của bà càng thêm co rúm.
Bên trong chiếc túi xách tay mà cảnh sát đã kiểm tra có cá nướng, thịt lợn tẩm bột rán, bánh bông lan và lá trà. Tổng giá trị của các mặt hàng là 4.313 yên. “Tôi xin lỗi”. Người phụ nữ cúi đầu nói với giọng nhỏ dần. Bà có sắc mặt và tác phong khỏe hơn nhiều so với tuổi.
Đây đã là lần thứ 8 người phụ nữ này bị bắt gặp trộm cắp. Mỗi lần bị bắt bà đều cảm thấy xấu hổ và hối hận. Thế nhưng không hiểu sao bà không thể dừng lại. Bà đã lặp đi lặp lại hành vi này trong suốt 30 năm qua. Người phụ nữ sống cùng chồng bằng lương hưu tại nhà riêng, lại cũng không phải vì bà ấy gặp khó khăn gì trong cuộc sống.
Bà để lại lời khai: “Trộm cắp cho tôi một khoái cảm không thể cưỡng lại được.” trong biên bản điều tra khẩu cung của cảnh sát. Một mặt người phụ nữ nghĩ rằng “Nhất định là như vậy.”, mặt khác bà lại nói “Tôi cũng không hiểu cảm xúc thật của mình là gì nữa…”

■ Cho các con ăn đồ trộm được.

Người phụ nữ được sinh ra ở tỉnh Hyogo vào năm 1946 (năm Showa 21). Là con một trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm, một điều hiếm thấy vào thời kỳ đó, bà yêu thích học hành, được học nhiều thứ và tham gia các lớp học thêm. Sau khi tốt nghiệp một trường cấp 3 tư thục, bà thi vào trường chuyên môn và sau đó được tuyển vào làm chuyên gia dinh dưỡng cho nhà ăn của một doanh nghiệp lớn. Sau một vài năm, hoạt động của nhà ăn được thuê ngoài, bà chuyển sang làm vị trí hành chính nhưng công việc vẫn luôn ổn định. Năm 27 tuổi, bà được cấp trên giới thiệu cho người chồng hiện tại và đã xin nghỉ việc để kết hôn. Mặc dù bà muốn tiếp tục làm việc nhưng vào thời điểm đó quan điểm “Phụ nữ nên nghỉ việc sau khi kết hôn” là quan điểm thống trị trong xã hội. Sau khi kết hôn, bà sinh được 4 người con và việc nuôi dưỡng con cái đã trở thành lẽ sống của bà.
Tuy nhiên, khi người phụ nữ bước vào độ tuổi 30, bệnh nghiện rượu của cha bà trở nên trầm trọng hơn, ông ấy đã phải lui tới trung tâm hỗ trợ cai nghiện rượu trong hơn 10 năm trời. Khi các triệu chứng của cha bà bắt đầu cải thiện thì lần này tới lượt chồng bà nghiện rượu, thường xuyên phải đưa tới bệnh viện.
Trong tình trạng gia đình bị đảo lộn, người phụ nữ lần đầu tiên thực hiện hành vi trộm cắp. Lúc đứng cuối hàng thanh toán, bà đã bỏ một hai món hàng vào túi của mình, qua mắt nhân viên thu ngân. “Tôi nghĩ mình cũng không cần nó tới mức ấy. Hình như đó là một loại bánh kẹo phiên bản giới hạn. Tôi không biết nó là cái gì, liệu tôi có cần nó hay không, liệu nó có ngon hay không… Nhưng vì tôi đã đứng vào hàng nên tôi đã bỏ luôn nó vào túi của mình.”

Người phụ nữ nhớ là mình đã đưa số bánh kẹo trộm được đó cho các con đang học tiểu học của mình ăn. Kể từ đó, thỉnh thoảng bà lại ăn cắp đồ. Hầu hết các mặt hàng mà bà lấy cắp là thực phẩm và đồ uống. Bà không ăn mấy mà hầu như đưa cho mọi người trong gia đình mình ăn.

Với các mặt hàng lấy cắp trong vụ việc lần này, bà định cho chồng mình ăn các món ăn kèm, còn bánh bông lan là dành cho cháu mình.

■ Khoảnh khắc lấy trộm đồ: “sợ hãi và chỉ có một chút lòng tham”.

Trong quá khứ, người phụ nữ đã hai lần bị phạt tiền theo thủ tục rút gọn, vào lần gần đây nhất là năm 2017, bà đã bị khởi tố với tội danh trộm cắp, bị kết án và hưởng án treo.

Người phụ nữ mô tả cảm giác trong lúc thực hiện hành vi trộm cắp là “Sợ hãi và chỉ có một chút lòng tham”. Để hiểu rõ chính mình, sau sự vụ lần này bà bắt đầu tiếp nhận tư vấn theo khuyến nghị của luật sư.

Bác sĩ tâm lý lâm sàng phụ trách người phụ nữ chỉ ra rằng: “Có thể lý giải hành vi ăn cắp đồ như là một hành vi bù đắp cho sự bất mãn và cảm giác đen đủi mà người phụ nữ cảm thấy trong cuộc đời và cuộc sống của mình.”.

Nhìn lại thì không chỉ trong thời gian gia đình gặp rắc rối vì rượu mà cả khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017, người phụ nữ cũng đã phải chăm sóc mẹ, đối với phụ nữ thì đó là những khoảng thời gian khó có thể giữ bình tĩnh. Và gần đây thì bà cảm thấy vô cùng khó chịu với tất cả việc nhà.

■ Tôi không muốn tốn tiền.

Hành vi của bà cũng có khả năng do bị ảnh hưởng bởi tính cách. Người phụ nữ đã đạt điểm trên trung bình trong bài kiểm tra trí thông minh được thực hiện trong quá trình tư vấn. Tuy nhiên, các bài kiểm tra tính cách đã cho thấy bà có cảm giác cô độc mạnh.

Bác sĩ tâm lý lâm sàng cho biết: “Người cao tuổi mất đi kết nối với xã hội cũng sẽ dần mất đi cảm giác có người dõi theo mình.”. Chính vì vậy mà dù có thất bại bao nhiêu lần đi nữa họ cũng không nghĩ hành vi trộm cắp của mình sẽ bị phát hiện. Thêm vào đó, một khi tâm trí họ bị chi phối bởi sự bất mãn và lo lắng, họ không thể suy nghĩ một cách sáng suốt về những gì sẽ xảy ra nếu họ bị bắt.

Luôn quan tâm tới vấn đề tiền bạc cũng là một trong những đặc điểm của nữ giới. Đặc biệt là họ có suy nghĩ thái quá trong việc tránh sự “tốn kém”. “Không biết những thứ tôi mua cho các con và cháu có làm chúng hài lòng hay không. Tôi nghĩ việc gì mình phải bỏ tiền ra cho những thứ như thế.”.

Trong buổi tư vấn, bác sĩ tâm lý lâm sàng đã đưa ra cho người phụ nữ lời khuyên cụ thể đối với những cảm xúc và sự nhận thức “méo mó” này.

■ Hy vọng

Phiên tòa xét xử người phụ nữ bắt đầu vào mùa hè năm 2021. Bà tái phạm không bao lâu sau khi thời gian nhận án treo kết thúc. Theo luật sư, bà có thể sẽ bị phạt tù.

Người làm chứng, con trai cả của bà, nói rằng đây là lần đầu tiên anh biết chuyện mẹ mình nhiều lần trộm cắp. Những gì mà bản thân anh đã ăn lại là đồ trộm cắp. “Tôi rất sốc. Vì bình thường tôi dựa dẫm rất nhiều vào mẹ mình…”, anh nói. Mặt khác, người con trai cả đại diện cho ý muốn của cả 4 anh chị em trước tòa. Sau khi nghe lời chứng của con trai cả: “Tôi thề là tôi sẽ đỡ đần mẹ mình suốt phần đời còn lại.”, người phụ nữ nói trong nước mắt: “Những người duy nhất mà tôi không muốn cho biết về việc này chính là các con và cháu của mình.”, “Tôi thật có lỗi, nuôi dưỡng con trẻ là nghĩa vụ của cha mẹ vậy mà…”, vai bà buông thõng.

Xét tuổi của con trai cả bà bây giờ thì đó không phải là một câu nói phù hợp. Dường như người phụ nữ còn bị mắc kẹt với nhiều thứ khác nữa. Nhưng giờ đây bà đã nhận được sự giúp đỡ từ cả chuyên gia và các con mình, có thể hi vọng rằng sau này bà sẽ thay đổi.

Hình phạt mà kiểm sát viên đưa ra là phạt tù cải tạo 1 năm 6 tháng. Tại phiên tòa vào 2 tuần sau đó thẩm phán đã tuyên một bản án ngắn hơn.

“Bị cáo bị tuyên phạt 1 năm tù cải tạo…”. Đây là phán quyết phạt tù đầu tiên dành cho bà.

Người phụ nữ và luật sư đã tiến hành kháng cáo nhưng bị Tòa án tối cao bác bỏ.

■ Chỉ tính riêng phụ nữ cao tuổi một năm có tới 10.000 người bị bắt vì tội trộm cắp

Theo Sách trắng về tội phạm của Bộ Tư Pháp, trong năm 2019 cả nước có tới 10.000 phụ nữ cao tuổi (65 tuổi trở lên) bị bắt vì tội trộm cắp. Trong số các vụ án hình sự do phụ nữ cao tuổi gây ra thì trộm cắp chiếm 3 phần 4, tỷ lệ trộm cắp cao hơn hẳn nếu so với nam giới hoặc giới trẻ./. (Trích nguồn Kobe Shimbun)

 

Các bài viết liên quan