(FRS47)Vị ngon của trái cây Nhật Bản được cho là thuộc hàng đầu trên thế giới. Đó là những “trái ngọt” có được từ sự nỗ lực của người dân Nhật Bản trong việc liên tục cải thiện giống cây trồng, áp dụng phương pháp canh tác sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Hiện nay Việt Nam chỉ nhập khẩu một số loại trái cây Nhật Bản, chẳng hạn như táo của tỉnh Aomori, thế nhưng vẫn còn rất nhiều loại trái cây Nhật Bản khác được đánh giá là “siêu” ngon. Sau đây là 10 loại quả được tuyển chọn. Mặc dù phần lớn có giá thành cao nhưng hi vọng mọi người sẽ có cơ hội được thưởng thức chúng một lần.
Một trong những loại trái cây cao cấp nổi tiếng nhất của Nhật có lẽ là dưa lưới Yubari (tên giống: dưa lưới Yubari King). Việc canh tác dưa lưới bắt đầu từ những năm 1960 tại thị trấn Yubari, Hokkaido, nơi nổi tiếng với những mỏ than. Kể từ sau những năm 1980, khi dưa lưới bắt đầu được chuyển trực tiếp từ nơi sản xuất đến các vùng nội đô như Tokyo, dưa lưới Yubari đã xây dựng lên hình ảnh một loại quả cao cấp. Đồng thời văn hóa biếu dưa khi thăm bệnh hay dùng để biếu gửi cũng lan rộng.
Trong khi hầu hết những quả dưa Nhật vào thời điểm đó có cùi xanh thì dưa Yubari có cùi vàng cam, mùi thơm ngọt giống rượu vang, kết hợp với vị ngọt thượng hạng.
Nhờ được đánh giá cao bởi người nước ngoài mà mức độ nổi tiếng của những quả đào đến từ tỉnh Fukushima tăng vọt. Ken Eriksen, huấn luyện viên của đội bóng mềm quốc gia Hoa Kỳ, đã ở trại huấn luyện tại tỉnh Fukushima để chuẩn bị cho việc tham gia vào Thế vận hội Olympic Tokyo. Ông đã chia sẻ trong một buổi họp báo vào tháng 7 năm 2021 rằng: “Đào ở Fukushima rất ngon. Tôi đã ăn tới 6 quả và bị tăng cân”. Lời nhận xét đó của ông đã trở thành một chủ đề bàn tán giữa các vận động viên Olympic và độ nổi tiếng của đào Fukushima tăng vọt.
Tỉnh Fukushima là tỉnh có sản lượng thu hoạch đào lớn sau tỉnh Yamanashi, sản lượng tiêu thụ cũng cao gấp 6 lần so với mức trung bình trên toàn quốc, là một vương quốc của những trái đào. Sau khi xảy ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) do hậu quả của thảm họa động đất lớn phía Đông Nhật Bản năm 2011, đã có những tin đồn thất thiệt về đào và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh. Việc độ nổi tiếng của đào tăng vọt đối với những người làm nông nghiệp ở tỉnh Fukishima chính là thông tin về chiếc “huy chương vàng” đạt được.
◆ Nỗ lực không ngừng cải thiện giống cây trồng
Tại sao Nhật Bản lại trồng được nhiều loại trái cây ngon? Điều này phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo trong suốt một thời gian dài của Bộ Nông- Lâm- Thủy sản, chính quyền địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp và những người nông dân trong việc cải thiện giống cây trồng. Xoài “Taiyo no Tamago” (Trứng mặt trời) của tỉnh Miyazaki được trồng tại đây sau khi một nhân viên của hợp tác xã nông nghiệp bị ấn tượng bởi vị ngon của quả xoài tìm thấy ở Okinawa nên đã mang hạt về và bắt đầu trồng chúng ở tỉnh Miyazaki vào năm 1984. Trải qua hơn 10 năm xác lập các phương pháp canh tác, quản lý nhiệt độ để quả xoài trở nên ngon hơn, từ khoảng năm 2000, xoài “Taiyo no Tamago” đã trở thành giống xoài nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Dâu tây “Kaorino” được phát triển bởi tỉnh Mie vào năm 2010 là một giống dâu tây có cả ba lợi thế: có vị ngon, kháng bệnh tốt và thu hoạch sớm. Phải mất hơn 10 năm tỉnh Mie mới có thể đăng ký giống dâu này sau khi lặp đi lặp lại việc lai tạo giữa 8 loại dâu nổi tiếng như là “Toyonoka”, “Tochiotome” và “Nyoho”.
Loại nho phổ biến nhất hiện nay, nho mẫu đơn “Shine Muscat” cũng được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp quốc gia (NARO) vào năm 2006. Đặc trưng của giống nho này là vị ngọt đậm và có thể ăn cả vỏ. Độ nổi tiếng của nho Shine Muscat đã vượt qua cả giống nho được cho là nổi tiếng nhất trong nhiều năm, nho Kyoho.
◆ Mức giá “hơn 10.000 yên” là phổ biến.
Những loại trái cây thương hiệu này có giá đắt hơn so với các loại trái cây thông thường. Chẳng hạn như dưa lưới Yubari có thể có giá từ 3.000 đến 20.000 yên, đắt gấp 10 lần giá của một quả dưa thông thường. Nho Shine Muscat và xoài Taiyo no Tamago cũng có thể được bán với giá hơn 10.000 yên tại các cửa hàng bách hóa. Gần đây, thông qua các trang mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể đặt mưa trực tiếp sản phẩm từ những người nông dân, đó là một cách tốt để người tiêu dùng có thể cân nhắc giữa các nhà nông giá rẻ và thời điểm để mua hàng.
◆ Đến khả năng canh tác tại Việt Nam
Việt Nam cũng nhập khẩu các loại trái cây từ Nhật Bản. Gần đây, vào tháng 9 năm 2015, táo từ Aomori và các loại trái cây khác bắt đầu được nhập khẩu lại vào Việt Nam. Việc thắt chặt các quy định về nhập khẩu do ảnh hưởng từ thảm họa động đất lớn phía Đông Nhật Bản năm 2011 khiến cho việc nhập khẩu trái cây Nhật Bản vào Việt Nam bị gián đoạn. Nhiều loại trái cây cao cấp có hạn sử dụng ngắn, khiến chúng không phù hợp để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh corona đã bắt đầu dịu xuống, các chuyến bay quốc tế đang dần được khôi phục, và vì không có nhiều khách du lịch nên còn rất nhiều chỗ trống cho hàng hóa. Việc sử dụng hiệu quả các chuyến bay trống như vậy sẽ giúp mở rộng cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện nay có nhiều người Việt Nam đang học về cách làm nông nghiệp của Nhật Bản thông qua các chương trình thực tập sinh kĩ năng và kĩ năng đặc định. Việt Nam cũng có nhiều khu vực phù hợp để canh tác trái cây, chẳng hạn như Đà Lạt. Rồi sẽ có một ngày các loại trái cây có chất lượng Nhật Bản sẽ được trồng ở Việt Nam.